Thông tin Bản đồ quy hoạch tỉnh Quảng Trị giai đoạn mới

Thông tin Bản đồ quy hoạch tỉnh Quảng Trị giai đoạn mới

Bản đồ quy hoạch tỉnh Quảng Trị là tài liệu cần thiết khi quan tâm bất động sản cũng như đánh giá tiềm năng thế đất và sự phát triển nơi đây.

Là một trong những tỉnh miền Trung với diện tích lớn, vị trí cầu nối quan trọng trong hành chính – chính trị của quốc gia, sự phát triển của tỉnh Quảng Trị luôn được quan tâm hết mực, đồng thời, có nhiều dự án kế hoạch quy hoạch góp phần chung trong sự phát triển của cả nước. Nếu bạn đang quan tâm đến các thông tin cũng như bản đồ quy hoạch tỉnh Quảng Trị, hãy theo dõi bài viết ngay sau đây nhé!

Những thông tin cơ bản về tỉnh Quảng Trị

Quảng Trị là một tỉnh ven biển thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam. Đây là tỉnh có Khu phi quân sự vĩ tuyến 17, là giới tuyến chia cắt hai miền Nam – Bắc Việt Nam, do đó cũng là một chiến trường ác liệt nhất trong suốt 20 năm của cuộc Chiến tranh Việt Nam (1954 – 1975).

Có thể nói, Quảng Trị có vị trí then chốt trong địa hình cũng như chính trị của nước ta. Đây cũng là địa danh gắn liền với những di tích lịch sử của chiến tranh hiện đại, là minh chứng hào hùng về thời kỳ lịch sử oai hùng của cả dân tộc.

Vị trí địa lý và đơn vị hành chính tỉnh Quảng Trị

+ Vị trí: Tỉnh ven biển thuộc vùng Bắc Trung Bộ, miền Trung Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 593 km về phía Nam, cách TPHCM 1.120 km về phía Bắc, cách Huế 66 km về phía Bắc theo đường Quốc lộ 1A

Tiếp giáp địa lý của tỉnh Quảng Trị: Phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp biên giới các tỉnh Savannakhet và Saravane (Nước Lào), phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình, phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế.

+ Diện tích và dân số: Tổng diện tích đất là 4.739,8 km², dân số khoảng 32.375 người (Năm 2019), đông thứ 57 về số dân. Trong đó, ở Thành thị có 195.413 người (30.9%); ở Nông thôn có 436.962 người (69.1%). Như vậy mật độ dân số của tỉnh là 137 người/km².

+ Đơn vị hành chính: Tính đến thời điểm năm 2022, Quảng Trị là tỉnh có 1 thành phố Đông Hà, 1 thị xã Quảng Trị và 8 huyện gồm: Cam Lộ, Cồn Cỏ, Đa Krông, Gio Linh, Hải Lăng, Hướng Hóa, Triệu Phong, Vĩnh Linh.

Bản đồ quy hoạch tỉnh Quảng Trị
Bản đồ hành chính tỉnh Quảng Trị

Đánh giá cơ sở hạ tầng và tiềm năng phát triển của Quảng Trị

+ Khu công nghiệp: Hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh; trong đó, có 02 Khu Kinh tế, 03 Khu Công nghiệp và 14 Cụm Công nghiệp. Đặc biệt, Khu Kinh tế Đông Nam với diện tích 23.792 ha được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cùng với Đề án thành lập Khu Kinh tế Cửa Khẩu La Lay, đã tạo cho Quảng Trị những tiềm năng lợi thế nổi trội để thu hút đầu tư. Tỉnh Quảng Trị hy vọng “Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị – sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư quốc tế trên Hành lang kinh tế Đông Tây”.

Bản đồ quy hoạch tỉnh Quảng Trị
Bản đồ quy hoạch khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

+ Du lịch: Quảng Trị nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử cách mạng như: Thành Cổ Quảng Trị, Cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, Đường 9-Khe Sanh; đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, Địa đạo Vịnh Mốc, Sân bay Tà Cơn, Hàng rào điện tử Mc.Namara, Nhà đày Lao Bảo, đảo Cồn Cỏ anh hùng …cùng với các Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, đã tạo nên tính đặc thù, độc đáo và hấp dẫn của hệ thống di tích chiến tranh của Quảng Trị.

Bên cạnh đó, Quảng Trị còn có nhiều danh lam thắng cảnh như Trằm Trà Lộc, rừng nguyên sinh Rú Lịnh, động Brai, Mũi Trèo-Rú Bàu…,…, nhiều bãi biển Cửa Tùng, Cửa Việt, Vĩnh Thái mang vẻ đẹp rất riêng với cát trắng tinh khôi, bằng phẳng, mịn màng, làn nước trong xanh, ít nơi nào có được.

Quảng Trị còn có nhiều di tích văn hóa tâm linh đặc sắc, các lễ hội dân gian, lễ hội cách mạng tiêu biểu. Tổ đình Sắc Tứ – một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung và Trung tâm Hành hương Đức mẹ La Vang, hàng năm thu hút hàng vạn tín đồ và du khách thập phương về hành lễ.

Với lợi thế đó, Quảng Trị trở thành cầu nối cho các tour du lịch nổi tiếng: “Con đường di sản miền Trung”; “Con đường huyền thoại”; “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”. Đến với Quảng Trị, du khách sẽ cảm nhận được những nét đặc sắc rất riêng của mảnh đất và con người Quảng Trị, ý chí quật cường của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do của Tổ Quốc.

Thông tin quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ mới

Ngày 8/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 776/QĐ-TTg Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.

Hiện tại, Tỉnh Quảng Trị đang tiến hành lập quy hoạch giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong năm đầu tiên thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đó là đưa tỉnh Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình cao của cả nước. Bởi, khi có quy hoạch tốt, quản lý và thực hiện quy hoạch tốt sẽ giúp tỉnh Quảng Trị có tầm nhìn chiến lược, kế hoạch phát triển cho từng thời kỳ, từ đó có các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án cụ thể để thu hút đầu tư, giúp Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững.

Mục tiêu lập quy hoạch

Mục tiêu lập quy hoạch là căn cứ pháp lý quan trọng để tỉnh Quảng Trị sử dụng hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển; đưa ra các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp đột phá phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời loại bỏ các quy hoạch chồng chéo đến đầu tư phát triển trên địa bàn.

Bên cạnh đó, làm cơ sở tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kế hoạch đầu tư công trung hạn trong các giai đoạn 2021-2025, 2026 đảm bảo tính khả thi, khách quan và khoa học.

Khung định hướng phát triển tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 có mục tiêu tổng quát đến năm 2050:

+ Đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực Duyên hải miền Trung.

+ Trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch và năng lượng tái tạo của khu vực Duyên hải miền Trung và cả nước; sản phẩm năng lượng sạch của tỉnh sẽ được thương mại hóa cung ứng cho toàn quốc, cũng như cho các quốc gia các thuộc tiểu vùng sông Mê Kông.

+ Tham gia tích cực và chủ động vào các hoạt động giao thương, liên kết trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây; là hạt nhân quan trọng trong chuỗi cung ứng thương mại, du lịch, vận tải và logistics giữa Quảng Trị với các nước gồm: Lào, Thái Lan, Myanmar và các nước Đông Nam Á, Tây Á.

Phạm vi và quan điểm lập quy hoạch:

Phạm vi lập quy hoạch toàn bộ diện tích tự nhiên của tỉnh 4.701,23 km2 với quan điểm lập quy hoạch tỉnh Quảng Trị:

+ Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 – 2030 của đất nước; các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Phù hợp với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

+ Phát huy và khai thác khả năng liên kết vùng ở cấp quốc gia và kết nối khu vực ở cấp quốc tế; gắn kết Quảng Trị với khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng biên giới Việt – Lào, Hành lang kinh tế Đông Tây. Thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; Khai thác thế mạnh các khu kinh tế, phát triển kinh tế xã hội khu vực biên giới, phát triển kinh tế biển.

Bản đồ quy hoạch tỉnh Quảng Trị
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất tỉnh Quảng Trị

+ Đảm bảo tính tổng thể, liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có, giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; phù hợp với khả năng cân đối, huy động về các nguồn lực đầu tư của tỉnh; phát huy được vai trò, vị thế, tiềm năng và lợi thế của Quảng Trị đối với quốc gia và khu vực. Đồng thời, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với khả năng thực tế của tỉnh.

+ Thực hiện chuyển đổi số nền kinh tế để tạo sự phát triển đồng bộ trong cách mạng công nghiệp 4.0; tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai minh bạch, công bằng trong huy động, tiếp cận cũng như phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội – môi trường. Đảm bảo tính công khai, minh bạch, linh hoạt, thích ứng và tăng cường khả năng phòng ngừa chống chịu các thảm họa thiên nhiên (nếu xảy ra), thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng các nhu cầu trong giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2026-2030 và tạo nền tảng phát triển cho các giai đoạn tiếp theo, phù hợp với tầm nhìn đến năm 2050…

Nội dung quy hoạch

Nội dung Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện theo các quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch năm 2017 và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ, bao gồm các nội dung chủ yếu sau: Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Quảng Trị; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế – xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; đánh giá về việc thực hiện quy hoạch thời kỳ trước; xây dựng quan điểm, mục tiêu phát triển tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lựa chọn phương án phát triển của tỉnh.

Nội dung quy hoạch định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế-xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên.

Đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.

Xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng thúc đẩy phát triển các khu vực có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đảm bảo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử – văn hóa, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Nội dung và Bản đồ quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ mới

Quy hoạch Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị

Phạm vi nghiên cứu trực tiếp: Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Đông Hà trên phạm vi toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố hiện tại với diện tích khoảng 73 km2:

Phạm vi nghiên cứu mở rộng: Trên cơ sở ranh giới hành chính của thành phố, nghiên cứu đề xuất hợp lý đảm bảo tính kết nối giữa đô thị Đông Hà với các đô thị lân cận như Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong; đồng thời đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố Đông Hà trong tương lai.

Thành phố Đông Hà là đô thị tỉnh lỵ; là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, thương mại, tài chính, du lịch, công nghiệp của tỉnh; là thành phố có vị thế cấp vùng Bắc Trung Bộ, một trong các đô thị động lực trên hành lang kinh tế Đông – Tây.

Bản đồ quy hoạch phát triển không gian Thành phố Đông Hà

Thành phố Đông Hà hướng đến cấu trúc “thành phố bên sông”. Khai thác triệt để cảnh quan các dòng sông, lấy sông Hiếu làm trục cảnh quan chính đô thị, kết hợp với sông Thạch Hãn và sông Vĩnh Phước làm không gian sinh thái đô thị; trong đó, ưu tiên lấy sông Hiếu làm trục trung tâm để phát triển không gian thành phố, tối đa hóa, khai thác giá trị của sông Hiếu. Xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông dọc hai bên sông Hiếu kết hợp kè sông Hiếu, cây xanh đường phố, các vườn hoa mini và hệ thống điện chiếu sáng đồng bộ tạo điểm nhấn cảnh quan trong khu vực. Dành quỹ đất dọc hai bên bờ sông để xây dựng các công trình công cộng, thương mại dịch vụ, văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô và kiến trúc đẹp, dự kiến việc tạo lập một khu trung tâm hành chính tập trung của tỉnh kết hợp với quảng trường đô thị phía Bắc, hướng về bờ sông;

Khai thác yếu tố thiên nhiên, tận dụng yếu tố địa hình khu vực, có giải pháp để phát huy hiệu quả địa hình đa dạng của đô thị bao gồm gò đồi, sông ngòi, hồ nước để phát triển và tạo lập nét bản sắc riêng của thành phố;

Xây dựng không gian mở, có vai trò thẩm mỹ trong việc hướng tới tạo dựng cảnh quan đô thị đối với các hồ đập phân bố đều khắp trên địa bàn thành phố như hồ Trung Chỉ, hồ Khe Mây, hồ Đại An, hồ Khe Sắn, hồ Km 6;

Bản đồ quy hoạch tỉnh Quảng Trị
Bản đồ quy hoạch phát triển không gian thành phố Đông Hà

Xây dựng thành phố Đông Hà theo cấu trúc đô thị đa trung tâm: ngoài trung tâm chính còn có các trung tâm vệ tinh, hỗ trợ có quy mô nhỏ hơn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của khu vực đó; dành quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng, thương mại dịch vụ, văn phòng, y tế, giáo dục phục vụ dân cư trong khu vực và là vệ tinh sẵn sàng phát triển lan tỏa khi hội tụ đủ điều kiện về nhu cầu xã hội, địa giới hành chính;

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất Thị xã Quảng Trị đến năm 2030

Thị xã Quảng Trị có diện tích đất 74 km² nằm ở phía nam tỉnh Quảng Trị, cách thành phố Huế 54 km về phía tây bắc, cách Đông Hà 13 km về phía đông nam và có vị trí địa lý: Phía đông và phía nam giáp huyện Hải Lăng, Phía tây giáp huyện Đa Krông, Phía bắc giáp huyện Triệu Phong.

Thị xã Quảng Trị có 5 đơn hành chính, gồm 4 phường: 1, 2, 3, An Đôn và xã Hải Lệ.

Quy hoạch định hướng phát triển không gian đô thị TX Quảng Trị

Nội dung quy hoạch xác định lấy đô thị hiện có làm hạt nhân phát triển về các hướng như sau:

+ Phát triển khu vực đô thị phường An Đôn bao gồm Khu đô thị Bắc Thành Cổ và trục đường từ cầu Quảng Trị đi Thượng Phước;

+ Phát triển xây dựng đô thị khu vực phía Bắc xã Hải Lệ (thôn Tích Tường);

+ Quy hoạch xây dựng các khu đô thị tại các phường 1, 2 và 3;

+ Hai bờ sông Thạch Hãn là trục không gian xanh, kiến trúc cảnh quan;

+ Hướng Nam phát triển xã Hải Lệ theo các tiêu chí đô thị loại III.

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất thị xã Quảng Trị

Về kế hoạch sử dụng đất, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định 2324/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của TX. Quảng Trị.

Theo quyết định, kế hoạch sử dụng đất thị xã Quảng Trị năm 2021 nhằm cụ thể hoá các diện tích đất nhằm phát triển đô thị và các khu dân cư nông thôn trên địa bàn huyện phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ cảnh quan môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Vị trí, diện tích các khu vực quy hoạch sử dụng đất được thể hiện trên bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2021, TX. Quảng Trị.

Bản đồ quy hoạch tỉnh Quảng Trị
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất Thị xã Quảng Trị

Về quy hoạch sử dụng đất đến 2030, vị trí và diện tích các khu vực quy hoạch được thể hiện trên trong bản đồ quy hoạch sử dụng đất của thị xã. Trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 thị xã Quảng trị, tỉnh Quảng Trị có một phần diện tích được quy hoạch các phường trung tâm như: 1, 2, 3, An Đôn đến 2030.

Các quy hoạch khác

Bên cạnh đó, tại các huyện khác, Quảng Trị cũng phát huy tối ưu các công trình, hạng mục quy hoạch, để xây dựng không gian tỉnh chung, đồng thời thực hiện theo các quy định quy hoạch chung của cả nước như:

– Quy hoạch 2 khu du lịch sinh thái 290ha tại huyện Đakrông và khu du lịch sinh thái Brai – Tà Puồng tại huyện Hướng Hóa

– Điều chỉnh và mở rộng quy hoạch chung xây dựng thị trấn Hồ Xá

– Quy hoạch Khu đô thị Nam sông Vĩnh Phước

– Điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu xây dựng khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị giai đoạn 2

– Quy hoạch xây dựng vùng huyện Triệu Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050

– Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải Lăng

– Quy hoạch xây dựng vùng huyện Vĩnh Linh

– Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đô thị Tà Rụt

– Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung xây dựng thị trấn Krông Klang (huyện Đakrông) đến năm 2035, định hướng đến năm 2040.

Những thông tin trên hy vọng đã cho bạn hiểu thêm về hướng quy hoạch và bản đồ quy hoạch tỉnh Quảng Trị trong thời gian sắp tới. Hãy theo dõi giaanproperty.vn để luôn nhận những thông tin mới nhất về bất động sản cho bạn!

4.5/5 - (116 bình chọn)

Tin tức khác