Đà Lạt là điểm đến nổi bật trong những năm gần đây, đặc biệt là trong những dịp lễ tết. Vì thế khi có thông tin quy hoạch cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt người dân rất phấn khởi vì quãng đường di chuyển sẽ dễ dàng hơn, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của du lịch, bất động sản tại Đà Lạt.
Bộ Giao thông Vận Tải đã chính thức thông tin về việc triển khai khởi công cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt với tổng chiều dài hơn 200 km bắt đầu tại nút Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai và kết thúc tại chân đèo Prenn tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Tổng quan dự án cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt
Dự án cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt nằm trong quy hoạch phát triển chung của mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020. Tuyến cao tốc khi đưa vào hoạt động chính thức sẽ có 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế lên đến 100 km/giờ.
Dự án này có tổng vốn đầu tư 65.000 tỷ đồng được huy động từ 2 hình thức BOT và nguồn vốn từ cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản cho địa bàn 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai.
Dự án chia làm 3 giai đoạn: Dầu Giây – Tân Phú; Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương.
- Giai đoạn 1 đoạn Dầu Giây – Tân Phú có chiều dài khoảng 60 km đi qua địa bàn 4 huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Ðịnh Quán và Tân Phú với tổng diện tích sử dụng đất là 460 ha.
- Giai đoạn 2 đoạn Tân Phú – Bảo Lộc có chiều dài 66 km đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng với tổng kinh phí xây dựng lên đến 17.000 tỷ đồng theo hình thức vay vốn từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) theo chỉ đạo từ Bộ Giao thông Vận tải. Giai đoạn 2 này không kêu gọi đầu tư BOT mà đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư huy động vốn vay từ cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
- Giai đoạn 3 là đoạn cuối của tuyến cao tốc, bắt đầu từ thành phố Bảo Lộc đến Liên Khương có tổng chiều dài 73 km với tổng vốn đầu tư 13.000 tỷ đồng. Trong đó 3.000 tỷ đồng là trích từ ngân sách hỗ trợ của Nhà nước. Hiện tại hồ sơ đề xuất dự án cơ bản đã hoàn thành nhưng chưa thể phê duyệt do chưa cân đối được nguồn vốn. Vì vậy các bộ ngành liên quan và UBND tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp cùng nhau cân bằng ngân sách để dự án có thể triển khai nhanh chóng.
Ý nghĩa của tuyến cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt
Việc khởi công tuyến cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt mang ý nghĩa tích cực rất lớn khi giúp rút ngắn khoảng cách cũng như thời gian di chuyển. Sau khi đưa cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt vào sử dụng, đây sẽ là tuyến đường giảm tải cho quốc lộ 20 và kết nối hoàn chỉnh đồng bộ với hệ thống mạng lưới đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Khi đó thời gian di chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh đến Bảo Lộc chỉ cần khoảng 2 giờ và từ Đà Lạt xuống Bảo Lộc cũng chỉ mất 1 giờ di chuyển, giảm một nửa thời gian so với di chuyển trên quốc lộ 20 như hiện nay.
Cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt cũng là động lực phát triển kinh tế cho 2 khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên, đóng vai trò quan trọng kết nối giao thông vùng, tạo lợi thế phát triển cho ngành du lịch địa phương, thúc đẩy phát triển tam giác du lịch Nha Trang – Đà Lạt – TP.HCM. Đồng thời cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt còn kết nối giao thông của các tỉnh Đông Nam bộ với các tỉnh Tây Nguyên.
Bên cạnh việc phát triển giao thương và du lịch, việc triển khai cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt được xem là cánh cửa để mở rộng phát triển mọi mặt về kinh tế của địa phương, nâng cao giá trị đầu tư của thị trường bất động sản. Việc mở rộng giao thông cũng chính là khơi dòng chảy của vốn đầu tư.
Theo quy hoạch của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận được xác định là trung tâm của tỉnh Lâm Đồng, phát triển tiệm cận chuẩn đô thị loại I. Trên thực tế thành phố này đã và đang thu hút nguồn đầu tư rất lớn cho hàng loạt dự án tầm cỡ trải đều các lĩnh vực nông – lâm nghiệp, công nghiệp nặng, du lịch – dịch vụ, y tế, giáo dục cho đến bất động sản.
Song song đó thành phố Đà Lạt bao năm qua luôn là điểm nóng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Chính vì vậy sự ra đời của dự án cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt càng thêm giúp sức cho sự phát triển rực rỡ của thành phố này.
Quy hoạch cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt là dự án chiến lược, là công trình giao thông trọng điểm, được đầu tư bài bản. Nhờ đó hạ tầng giao thông được nâng cấp, đồng bộ và liên kết chặt chẽ với mạng lưới giao thông trên toàn quốc. Cũng chính nhờ dự án cao tốc này mà thị trường bất động sản – nơi có cao tốc đi qua ngày càng trở nên có sức hút với các nhà đầu tư.